Lượt xem: 3223

Bác Hồ chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám 1945

Cuộc hành trình gần 30 năm bôn ba hải ngoại, từ ngày 05-6-1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, Sài Gòn đến ngày 28-01-1941, tại cột mốc 108, Hà Quảng, Cao Bằng, đất nước đón một người con của dân tộc - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Người đã đi tìm chân lý để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc.

    Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết lại khoảnh khắc nước Việt đón Bác về:

                        “Bác đã về đây Tổ quốc ơi!

                        Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người.

                        Ba mươi năm ấy chân không nghỉ,

                        Mà đến bây giờ mới tới nơi!”.

    Về đến Cao Bằng, dược sự chở che, giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, ngày 08-02-1941, với tên gọi mới là Già Thu, Bác ở và làm việc ở hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là đầu nguồn), một hang núi kín đáo của dãy núi hùng vĩ. Tại đây, Bác đã tạc trên phiến nhũ bức tượng Các Mác và đặt tên là núi Các Mác, ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.


Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.

    Tài sản của Bác không có gì ngoài chiếc va li mây đựng tài liệu, cái máy chữ và chiếc sàn nằm bằng tấm gỗ. Ban ngày, Bác ra bờ suối nơi đầu nguồn (Bác đặt tên cho suối là suối Lênin), những người giúp việc Bác, đã tạo ra cho Bác một cái bàn và một cái ghế bằng những tảng đá ghép lại để Bác làm việc. Và “sáng ra bờ suối, tối vào hang”, Người bắt đầu chăm lo một sự nghiệp lớn đó là “hai tay gây dựng một sơn hà”.

    Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã diễn ra từ ngày 10-5-1941 kéo dài cho tới ngày 19-5-1941. Hội nghị đã đưa ra nhiều quyết sách cực kỳ quan trọng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh. Lúc này Mặt trận Việt Minh là tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Người đã soạn thảo “Mười chính sách của Việt Minh”, Người đã viết để tuyên truyền, cổ động Nhân dân, làm thức dậy truyền thống yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân đứng lên đánh giặc, cứu nước “Chúng ta có hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh”, chỉ có Việt Minh mới đủ sức lãnh đạo toàn dân ta đứng lên giành độc lập, tự do.


Ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập. (Ảnh tư liệu)

    Trong lúc này, quyền lợi của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Vì thế, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được.

    Mặt trận Việt Minh đã lôi cuốn, thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng ở khắp mọi miền cả nước đứng lên chớp lấy thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần quyết định vào sự thành công của Cách mạng tháng Tám và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cực kỳ to lớn - Người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão táp để cập bến độc lập, tự do.

    Hai năm ở Pác Bó, Người đã viết rất nhiều tác phẩm kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng, tuyên truyền, cổ vũ mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân chờ thời cơ đứng lên đánh giặc cứu Tổ quốc như: Ngày 01-8-1941, Nguyễn Ái Quốc ra số báo “Việt Nam Độc lập” đầu tiên nhằm tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh đăng lời kêu gọi “Khuyên đồng bào mua báo Việt Minh bằng bài văn vần:

                        “… Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất,

                        Làm cho ta mở mắt, mở tai.

                        Cho ta biết đó biết đây,

                        Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

                        Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

                        Cho ta hay sức lực của ta

                        Cho ta biết chuyện gần xa.

                        Cho ta biết nước non ta là gì… 

    Các tác phẩm như: Mười chính sách của Việt Minh, Dân cày, Phụ nữ, Công nhân, Ca đội tự vệ, Hòn đá, Lịch sử nước ta,… Đầu tháng 02-1942, Nguyễn Ái Quốc sáng tác “Bài ca du kích” để vận động các tầng lớp tham gia vũ trang đánh Tây, đuổi Nhật. Ngày 01-8-1942, cũng trên Báo “Việt Nam Độc lập”, còn đăng bài thơ “Nhóm lửa” của Nguyễn Ái Quốc ví sự nghiệp cách mạng như việc nhóm lửa để có ngày: “… Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,/ Chiếu lá cờ độc lập, tự do! ”.


Nhân dân Thủ đô đánh chiếm Bắc bộ Phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. (Nguồn Tư liệu TTXVN)

    Song song với việc chuẩn bị lực lượng cho cuộc giải phóng, ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng (Nay là Quân đội nhân dân Việt Nam). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Người giao trọng trách lãnh đạo Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự trong đó lời thế thứ nhất khẳng định, quân đội sẵn sàng “hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật - Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.

    Đêm 03-5-1945, Nhật đã làm cuộc đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình mới, Bác Hồ quyết định chuyển “đại bản doanh” của cách mạng từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Tháng 8-1945, phát xít Đức đầu hàng Đồng minh, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu Quốc dân ở Tân Trào. Đảng nhanh chóng ban hành Chỉ thị “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.


Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Cách mạng tháng Tám chỉ diễn ra trong 15 ngày đêm, được tiến hành bằng cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang của toàn dân từ Bắc chí Nam. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi giành được chính quyền đầu tiên. Rồi đến Hà Nội đông đảo Nhân dân biểu tình tuần hành vũ trang. Làn sóng biểu tình lan rộng khắp miền Bắc, miền Trung. Hơn 15 vạn nhân dân Huế và các huyện thuộc Thừa Thiên xuống đường tuần hành vũ trang buộc chính quyền trung ương đầu hàng, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta. Tiếp đó, Nhân dân Sài Gòn đứng lên lật đổ chính quyền tay sai của Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn và ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

    Đánh giá về Cách mạng tháng Tám, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định đó là: “một bước tiến nhảy vọt chưa từng thấy trong lịch sử loài người”, đây là cuộc cách mạng oanh liệt nhất, vẻ vang nhất, cực kỳ vĩ đại của dân tộc mang tính thời đại, trong đó có sự chuẩn bị hết sức chu đáo, chắc chắn, với tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân ta, đây là một cuộc khởi nghĩa cách mạng thành công do Đảng Cộng sản lãnh đạo trong tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 5745
  • Trong tuần: 76,452
  • Tất cả: 11,799,772